Cách Làm Bánh Trung Thu Cốm Dừa

Thu về, mùi hương cốm tươi nồng nàn, len lỏi khắp nẻo đường con ngõ Hà Nội qua những gánh hàng rong. Trăng trên cao lúc ấy cũng đẹp và tròn hơn, đèn lồng rực rỡ khắp mọi nơi và không thể thiếu bánh trung thu cùng ấm trà mạn bên người thân gia đình!

Cách làm bánh trung thu cốm dừaCách làm bánh trung thu cốm dừa

Nhưng làm thế nào để có được những bánh trung thu ngon và độc đáo hơn? Hãy cùng chúng tôi khám phá công thức bánh trung thu cốm dừa - sự kết hợp giữa hương vị truyền thống và nét sáng tạo mới lạ.

Nguyên liệu cần chuẩn bị để làm bánh trung thu:

Phần vỏ:
- 350g bột mì đa dụng (200g bột số 8 & 150g bột mì số 11).

45g dầu lạc.
30g bơ lạc.
1 lòng đỏ trứng.
150-170g đường làm bánh trung thu nướng.
1/4 muỗng cà phê bột ngũ vị hương. 
30g bột mì (làm bột áo lúc cán bột).
10g dầu lạc (chống dính khuôn lúc tạo hình).
2 quả trứng cút (hoặc 1 quả trứng gà) + 3 muỗng cà phê dầu lạc, khuấy đều làm hỗn hợp phết bánh lúc nướng.

Nhân cốm dừa:
500g cốm.
1/3 quả dừa già bào sợi.
200g đường.
150ml nước cốt dừa.

Thực hiện làm bánh trung thu cốm dừa:

Chuẩn bị vỏ bánh

1. Trộn bột: Cho tất cả nguyên liệu làm vỏ vào một âu lớn.  Chúng ta trộn đều tất cả nguyên liệu đến khi quyện vào nhau. (Sử dụng tay nhồi bột đến khi bột thành một khối dẻo mịn là được. Dùng màng bọc thực phẩm bọc bột lại và để bột nghỉ trong 1 giờ.

2. Chuẩn bị bột áo và dầu chống dính: Khi bột nghỉ, chuẩn bị 30g bột mì làm bột áo và 10g dầu lạc để chống dính khuôn lúc tạo hình.

Làm nhân cốm dừa

1. Sên nhân cốm dừa:

Cho tất cả nguyên liệu làm nhân vào chảo chống dính. Trộn đều các nguyên liệu.
Bắt chảo lên bếp, bật lửa nhỏ và đảo đều đến khi cốm dẻo và quyện vào nhau thành khối nặng tay thì tắt bếp (khoảng 15 phút).
Chia nhân thành các phần đều nhau và nắm chặt tay (giống cơm nắm) để phần nhân được chắc và kết dính. Nắm nhân khi còn nóng sẽ giúp nhân không bị rời rạc. Sử dụng găng tay len bên trong và găng tay nilong bên ngoài để bảo vệ tay.

Bánh trung thu nhân cốm dừaBánh trung thu nhân cốm dừa

Tạo hình bánh

A. Chia nhân và vỏ bánh:

Lượng nhân này mình làm được 15 phần nhân 50g.
Chia bột vỏ thành 15 phần, mỗi phần 40g. Thông thường, lượng vỏ là 1/3 và lượng nhân là 2/3, nhưng mình thích ăn vỏ nhiều hơn nên đã tăng lượng bột vỏ.

B. Tạo hình bánh:

Rải bột áo rồi cán bột vừa đủ bọc nhân. Cho nhân vào giữa, bọc lại thành viên tròn.
Quét dầu chống dính khuôn, cho viên bột vào khuôn để tạo hình. Mình dùng khuôn 100g, sử dụng khuôn lò xo sẽ dễ tạo hình hơn. Đây cũng là lúc tuyệt vời để các bé cùng tham gia, các bé sẽ rất thích thú.

C. Làm nóng lò:
Bật lò nướng lên ở nhiệt độ 190 độ C trong 10 phút.

Nướng bánh

Nướng lần 1:
Cho bánh vào lò nướng ở nhiệt độ 190 độ C, rãnh giữa, trong 5 phút.
Lấy bánh ra, xịt một lớp nước nhẹ và chờ nước khô. Quét một lớp hỗn hợp trứng dầu lên bề mặt bánh. Nghỉ 5 phút.

Nướng lần 2:
Cho bánh vào nướng tiếp ở nhiệt độ 190 độ C trong 2 phút. Lấy ra, quét lớp trứng dầu và nghỉ 5 phút. Lặp lại bước này 4-5 lần tuỳ theo độ vàng mong muốn của bánh.
Sử dụng nồi chiên không dầu:

Nếu không có lò nướng, bạn có thể sử dụng nồi chiên không dầu để nướng bánh. Quy trình tương tự như khi dùng lò nướng. Sau khi mặt bánh chín ưng ý, lật đáy bánh lên và nướng tiếp từ 2 - 3 lần để đạt màu bánh đẹp.

Thưởng thức bánh trung thu cốm dừa

Vậy là bạn đã hoàn thành món bánh Trung thu cốm dừa thơm ngon. Pha một tách trà ngon và cùng người thân, bạn bè thưởng thức thành quả. Bánh Trung thu cốm dừa không chỉ là món ngon đặc biệt mà còn là sự kết hợp hoàn hảo giữa hương vị truyền thống và sự sáng tạo hiện đại.

Làm bánh trung thu cốm dừaLàm bánh trung thu cốm dừa


Các câu hỏi thường gặp về làm bánh trung thu cốm dừa

1. Tại sao bánh trung thu cốm dừa lại đặc biệt?

Bánh trung thu cốm dừa kết hợp giữa hương vị dẻo thơm của cốm và vị ngọt béo của dừa, mang lại cảm giác mới lạ so với bánh truyền thống. Đây là món bánh không thể thiếu cho những ai yêu thích sự đổi mới và muốn thử nghiệm những hương vị độc đáo trong mùa Trung thu.

2. Có thể thay thế nguyên liệu nào khi làm bánh không?

Bạn có thể thay thế dầu lạc bằng dầu ăn khác nếu không tìm được dầu lạc. Đường có thể điều chỉnh theo khẩu vị, và bơ lạc có thể thay bằng bơ thường nếu thích.

3. Bảo quản bánh Trung thu cốm dừa như thế nào?

Bánh trung thu cốm dừa nên được bảo quản trong hộp kín, để nơi thoáng mát. Bánh có thể để được từ 5 - 7 ngày ở nhiệt độ phòng. Muốn bảo quản bánh thời gian lâu hơn thì bạn phải để trong ngăn mát của tủ lạnh

4. Tại sao bánh nướng lần đầu lại phải xịt nước và quét trứng?

Xịt nước giúp bánh không bị khô trong quá trình nướng. Quét hỗn hợp trứng dầu giúp bánh có màu vàng đẹp và bóng bẩy, đồng thời giữ cho vỏ bánh mềm và không bị nứt.

Tự làm bánh trung thu tại nhà không chỉ là cách để thưởng thức món ăn ngon, mà còn là dịp để gia đình quây quần, cùng nhau gắn kết để làm nên những kỷ niệm khó thể quên. Với công thức bánh Trung thu cốm dừa, bạn không chỉ mang đến hương vị mới lạ mà còn thể hiện tình yêu thương qua từng chiếc bánh. Chúc các bạn thành công và có một mùa trung thu ấm áp, đầy ý nghĩa!

Các bài viết khác